Ví dụ Văn_học_chấn_thương

Ví dụ đầu tiên của thể loại này được mọi người đồng tình là truyện ngắn Vết thương năm 1978 của Lư Tân Hoa công kích thói đạo đức giả và tham nhũng của giới quan chức.[6] Truyện ngắn Chủ nhiệm lớp (班主任 Ban chủ nhiệm) năm 1977 của Lưu Tâm Vũ cũng được coi là tác phẩm tiên phong của văn học chấn thương, mặc dù đánh giá này vẫn còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu.[7]

Hầu hết các tác giả tiêu biểu lúc đó đều ở độ tuổi ba mươi và bốn mươi; họ làm việc với tư cách nhà văn và biên tập viên được trả lương và xuất bản tác phẩm của mình trên các tạp chí văn học do nhà nước tài trợ.[8] Sự phẫn nộ về mặt đạo đức mà họ thể hiện trong tác phẩm của mình đã gây được tiếng vang với công chúng, góp phần làm cho tác phẩm trở nên nổi tiếng.[9] Không phải tất cả tác phẩm của các tác giả sống qua Cách mạng Văn hóa đều có thể được xếp vào loại văn học chấn thương. Trương Thừa Chí đặc biệt nổi tiếng với chủ nghĩa lý tưởng về những trải nghiệm của ông trong Cách mạng Văn hóa; các tác phẩm của ông như Hắc tuấn mã và Sông phương Bắc được coi là sự bác bỏ "sự tiêu cực của văn học chấn thương".[10]

Trào lưu này đã khôi phục lại vị trí hợp pháp của cuộc sống thường nhật trong văn học, bắt đầu từ Vết thương, Phục hôn của Thư Triển; Hôn duyên, Bên dòng sông nhỏ của Khổng Tiệp Sinh; Anh rể "không hợp ý" của Quan Canh Dần; Đỗ quyên lại kêu của Trần Khả Hùng, Mã Minh; Ồ, con người của Vũ Môi... Tiếp theo là sáng tác truyện vừa, như Đường sống của Trúc Lâm; Trả giá của Trần Quốc Khải; Ôi! của Phùng Ký Tài; tiểu thuyết Con người ơi con người của Đới Hậu Anh; Năm tháng lần nữa của Diệp Tân... dường như đều quay trở lại viết về các phương diện của nhân tình, nhân tính. Trong thời đại này xuất hiện nhiều tác phẩm có khả năng tác động tới tình cảm của người bình dân. Vui, buồn, gặp gỡ, ly biệt giữa nam và nữ trong thế giới bình thường khiến người đọc rơi lệ hết lần này đến lần khác, tất cả mọi người đều có thể hiểu được những câu chuyện đó, trong thời đại này, văn học thực sự đã đến được với đại chúng.[11]